Wednesday, June 13, 2012

Bí quyết thành công trên thương trường


MỞ ĐẦU
MƯỜI LỜI KHUYÊN CỦA NHỮNG
NGƯỜI TỪNG TRẢI

Năm 1984 tôi cho ra đời cuốn sách NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI TA KHÔNG DẠY BẠN TẠI TRƯỜNG KINH DOANH HARVARD, tất nhiên không phải với mục đích nhằm làm giảm uy tín của một trường kinh doanh lớn vào bậc nhất hay để nâng cao những thành quả của tôi trong thời gian hai mươi lăm năm chiến đầu trên thương trường. Công bằng mà nói, tôi viết cuốn sách ấy vì chỉ muốn góp thêm vài mẹo vặt mà trong những bài giảng tại những trường dạy kinh doanh như trường Harvard người ta không đề cập tới, nhưng trong quá trình kinh doanh, từ thực tiễn tôi đã rút ra được.
          Và kể từ khì cuốn sách đó được phát hành, các bạn độc giả gần xa đã liên tục gửi thư góp ý với tôi, tỏ rõ sự tán đồng và cả những chỗ chưa nhất trí với tôi về một số điểm trong những mẹo vặt ấy. Nhưng tất cả những ý kiến ấy đã khẳng định, và rất nhiều ý kiến đã giúp tôi điều chỉnh những suy nghĩ của tôi về một nhà kinh doanh từng trải. Tôi tin chắc rằng, có một số ý kiến – không cần bàn cãi – là phổ cập. Và tôi coi đó là Mười lời khuyên của những người từng trải, mười kinh nghiệm quý báu:
1. Thứ nhất: Không được đánh giá thấp sự quan trọng của đồng tiền.
          Mẹ tôi là người đầu tiên đã khôn ngoan cho tôi biết bận tâm đến chuyện tiền bạc là điều rất bình thường. Tôi rất biết ơn bà vì điều ấy. Và đó cũng chính là cách mà nhiều nhà kinh doanh làm nên những thắng lợi của mình.
2. Thứ hai: Không được đề cao quá sự quan trọng của đồng tiền.
          Trong kinh doanh, tiền mặt không phải là thứ tiền tệ duy nhất.
          Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta hãy nên nghĩ tới giá trị của một sự thành công cao nhất cùng với sự kính trọng của đối tác, niềm thích thú của bản thân khi giành được kết quả từ con số không. Đó chính là những mục tiêu nên theo đuổi và cứ để lợi nhuận đến một cách tự nhiên.
3. Thức ba: Nên có những người bạn chí cốt trong kinh doanh
          Những người bạn này sẽ là những người đồng tâm hiệp lực, là những nguồn trợ lực tốt nhất trong kinh doanh. Tất nhiên, đôi khi người ta có thể tìm thấy ở những mối làm ăn khác nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng dù sao, làm ăn với những người bạn thực sự vẫn là hơn.
4. Thứ tư: Đừng ngại phải thú nhận những yếu kém của bản thân.
          Bạn đâu có phải là một siêu nhân, vì vậy không có gì phải ngại ngùng cả. Xin cứ nói thật nếu như bạn không biết việc gì đó. Cần phải nói rõ thêm là nếu như bạn thú nhận là mình chưa hoặc không biết, và nhờ người khác chỉ rõ cho mình thì, bạn đã giúp người đó thỏa mãn được sự tự ái và người ta sẽ cảm thấy vui vẻ.
          Còn nếu bạn đã biết rồi mà trong trường hợp cần thiết phải làm như chưa biết, thì hãy làm điều đó một cách thật tự nhiên. Có nhiều lúc nên nói là không biết ngay cả khi đã biết rõ mười mươi vì muốn đánh giá xem người kia thực sự biết tới đâu.
5. Thứ năm: Không nên nói nhiều quá
          Sẽ không mắc một lỗi nào về ngôn từ nếu như bạn không nói. Điều quan trọng là nếu như bạn nói nhiều quá, rất có thể bạn sẽ không nắm được những chuyển biến không tốt nơi người nghe và nơi tình thế. Mắt và tai – hai giác quan quan trọng nhất của bạn sẽ bị tê liệt nếu bạn nói dài, nói dai.
6. Thứ sáu: Tuyệt đối phải giữ lời hứa
          Không có việc gì trên thế gian này làm cho tôi ghi nhớ hơn là những người thực hiện được những lời hứa của mình. Ngược lại, những người không giữ lời hứa là cho tôi vô cùng thất vọng. Những người không thực hiện lời hưa đã vi phạm một quy định bất thành văn trong kinh doanh. Lòng tin chứ không phải là sự ngờ vực là khởi đầu tốt đẹp cho các mối quan hệ làm ăn.
7. Thứ bảy: Tất cả các mối quan hệ qua lại đều có một đời sống của nó.
          Có việc cần phải từ từ, thận trọng. Có việc cần phải thúc giục, gấp gáp. Khi đã nắm rõ được những điều này, bạn cần phải thích nghi. Sẽ là tốt nếu có tối thiểu thành kiến khi thương lượng. Dù không thể đạt được như bạn mong muốn thì điều đó cũng là nhiều rồi so với mức khởi đầu của bạn.
8. Thứ tám: Chất lượng là điều cần phải theo đuổi ngay từ ngày đầu tiên.
          Nên tập trung vào từng việc một, dù nhỏ nhặt hay quan trọng, như thể đó là điều duy nhất có nghĩa (thường là thế). Thà rằng không làm gì còn hơn là làm mà chẳng ra sao cả.
9. Thứ chín: Cởi mở và lịch thiệp với mọi người
          Không phải làm như thế vì bạn sẽ cần tới họ khi thất bại(như người ta thường nói) mà vì đó là con đường vui vẻ, lý thú nhất trên bước đường dẫn tới thành công của bạn. Sự hiểu biết và cảm thông với người khác luôn luôn được đền bù xứng đáng, nó sẽ giúp bạn:
-         Nắm rõ được nhu cầu kinh doanh của người khác.
-         Nắm được thời điểm hành động một cách nhạy bén và chính xác.
-         Nhanh chóng tự thoát ra được khỏi những tình huống oái oăm.
Không kể đến những điều kiện khác thì sự lịch thiệp có thể có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất
10. Thứ mười: Thành công không phải của riêng ai.
          Hãy chia sẻ thành công với đồng nghiệp. Sẽ chẳng phải là khôn ngoan nếu như bạn kể lể với mọi người về sự khôn ngoan của mình.
          Những lời khuyên trên đây tất nhiên không phải là bí quyết duy nhất để đạt được thành công trong kinh doanh. Nhưng xin bạn hãy ghi nhớ chúng khi tham khảo những phần viết sau đây. Bạn sẽ thấy những lợi thế mà bạn giành được khi vận dụng những ý kiến này một cách có ý thức, cho dù trên thương trường bạn gặp phải bất cứ tình huống (tốt hay xấu) nào.
Tác giả: Mark MC Cormack
Người dịch: Vương Đăng

0 comments: